Sau đại dịch Covid-19: Ngành công nghiệp ô tô sẽ như thế nào?

Hiện tại, nếu tính về tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, thực chất con số vẫn đang khiêm tốn. Với ô tô du lịch là khoảng 8- 10%, với ô tô tải thì khoảng 40-45%, còn ô tô khách là 50- 55%. Theo lý thuyết, để tăng tỷ lệ nội địa hóa, mỗi mẫu xe phải đạt sản lượng tối thiểu là 50 nghìn xe/năm.

Nếu nhìn vào lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam thời gian vừa qua, số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất xe ô tô Đông Nam Á (AAF) cho thấy 10 tháng năm 2021, Việt Nam đã tiêu thụ trên 209 nghìn chiếc, tăng 5,2% so với 10 tháng năm 2020. Mặc dù vậy, đây chỉ là con số thống kê của các hãng sản xuất thuộc Hiệp hội sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), không bao gồm doanh số của một số các hãng như TC Motor, VinFast và một số DN không phải là thành viên của VAMA. Trong khi, tổng lượng xe ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước của các thành viên đạt gần 223 nghìn chiếc, tăng 24,9%. 

Sản xuất và lắp ráp oto tại nhà máy ở Việt Nam

Theo Thông tư 05/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về “Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được”, các doanh nghiệp (DN) lắp ráp ô tô trong nước hiện đang tự sản xuất được 287 loại linh kiện, trong đó 269 loại cho xe ô tô con dưới 9 chỗ và 18 loại cho xe khác. Trong danh sách này không có hạng mục cấu thành động cơ, hộp số mà chủ yếu là những linh kiện giản đơn, hoặc cồng kềnh, phải sử dụng nhiều nhân công. Chẳng hạn như: Nắp che điện cực ắc quy, ắc quy, lốp không săm, túi đựng dụng cụ, kính cửa, ăng ten, bộ dây điện, đèn hậu, bộ cản xe, tấm ốp cửa, tựa tay cửa, chắn bùn, bậc cửa lên xuống, các tấm cách nhiệt, tấm thân xe, ghế ngồi (không có bộ phận điều khiển), vành xe, két nước làm mát, ống xả... 

Như vậy, những linh kiện đòi hỏi công nghệ cao gần như không có. Trong sản xuất ô tô, mảng gia công lắp ráp đang mang lại lợi nhuận thấp nhất. Trong khi các mảng như phần mềm ô tô, bộ vi xử lý lại mang lợi nhuận cao nhất. Những linh kiện quan trọng nhất của chiếc xe như các chi tiết cơ khí về động cơ, hộp số, hệ truyền động, hệ thống an toàn và điện tử khác thì vẫn chưa thể sản xuất trong nước. Tính tỷ lệ nội địa hóa dựa theo giá trị, nếu sản xuất được những linh kiện này, tỷ lệ nội địa hóa sẽ gia tăng nhanh chóng. Thực chất, đây đều là mục tiêu của các hãng từ nhiều năm, nhưng vẫn chưa thực hiện được. 

Trong khi, số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số sản xuất xe có động cơ trong tháng 10/2021 tăng 2,6% so với tháng 9/2021, giảm 18,6% so với tháng 10/2020. Nhưng tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất của ngành này tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, sản lượng sản xuất một số sản phẩm ngành ô tô tăng trưởng khá so cùng kỳ năm 2020 như: Xe có động cơ chở được từ 10 người trở lên chưa được phân vào đâu; Xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng sức nén, có tổng trọng tải tối đa < 5 tấn; Xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa có động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng sức nén, có tổng trọng tải tối đa > 5 tấn và < 20 tấn… 

Tham khảo sản lượng một số sản phẩm CNHT của ngành ô tô và ô tô trong tháng 10 và 10 tháng năm 2021


 

Nguồn: Tính toán từ số liệu sơ bộ của các Cục Thống Kê

Nếu tính trung bình, mỗi DN lắp ráp ô tô tại Việt Nam có 2 nhà sản xuất linh kiện phụ trợ cho mình. Trên thực tế, hơn 90% trong số đó là đang các DN FDI. Chưa kể, phải cần từ 30.000 - 40.000 chi tiết, linh kiện để làm ra một chiếc ô tô. Nếu so ra thì con số 287 vẫn đang rất nhỏ. Bên cạnh đó, ngoài linh kiện hữu hình, còn có những giá trị vô hình như lương công nhân... khi xét về tỷ lệ nội địa hóa. Theo như danh mục trên, chỉ TC Motor (lắp ráp xe Hyundai) và THACO (lắp ráp xe Mazda) có tỷ lệ nội địa hóa cao, của TC Motor là khoảng 20%. 

Theo Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI), THACO vừa bán sản phẩm cuối cùng, vừa thu mua linh kiện từ DN cung cấp, vừa bán linh kiện ra thị trường. Họ tham gia VASI với hai tư cách, vừa là người mua, vừa là người bán. Năng lực bán của THACO cũng rất mạnh, họ có thể bán được cho công ty khác như Ford, Mitsubishi và cả các công ty cơ khí khác. Đó là điển hình của THACO Việt Nam, họ buộc phải tự làm nên giá thành rất khó để có thể cạnh tranh. Trong khi đó, Honda Việt Nam vẫn gặp phải khó khăn về công nghệ, điển hình là việc lắp ráp động cơ để tăng nội địa hóa. Giá thành sản xuất linh kiện tại Việt Nam cao hơn 2 tới 3 lần so với khu vực. Bởi vậy, ngay cả khi chi phí nhân công của Việt Nam được đánh giá ở mức cạnh tranh hơn, thì chiếc xe sản xuất nội địa vẫn có chi phí sản xuất cao hơn 10- 20% so với Thái Lan, Indonesia.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, với dòng xe cá nhân, Việt Nam hiện có 9 nhà sản xuất gốc (OEM) tham gia thị trường gồm: Toyota, Honda, Suzuki, Mitsubishi, Ford, Mecerdes Benz, Thaco (Trường Hải), TC Motor, VinFast. Các nhà sản xuất OEM thực hiện lắp ráp dạng CKD, trên dây chuyền sản xuất gồm 4 công đoạn chính là: Hàn, sơn, lắp ráp và kiểm định. Một số hãng có thêm công đoạn dập thân vỏ xe như Toyota, VinFast, Thaco... Trong chuỗi cung ứng, chỉ có 18 nhà cung cấp phụ tùng ô tô cấp 1 và 58 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3. Ngoài việc tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá xe ô tô tại Việt Nam còn đang bị chi phối bởi 4 loại thuế, bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và phí trước bạ. 

Nhằm hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, hiện nay, các linh kiện ô tô nhập khẩu đang được áp dụng chương trình ưu đãi thuế 0% có hiệu lực đến ngày 31/12/2022. Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu cho các nguyên liệu, vật tư, linh kiện chưa có khả năng sản xuất trong nước đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển trong thời gian qua. 

Do đó, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô, bao gồm tiếp tục gia hạn ưu đãi sau năm 2022. Đề xuất này căn cứ trên bối cảnh hàng rào thuế quan đối với xe ô tô nguyên chiếc từng bước được xóa bỏ theo các Hiệp định FTA.

Việc gia hạn chương trình ưu đãi thuế linh kiện ô tô không chỉ cần thiết mà còn là căn cứ quan trọng để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chủ động trong việc xây dựng phương án kinh doanh vào các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ nới điều kiện, cho phép doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai phương án xét kỳ 6 tháng hoặc 12 tháng để được hưởng mức thuế ưu đãi 0% linh kiện nhập khẩu.  

Lắp ráp oto tại nhà máy sản xuất oto ở Việt Nam

Theo các DN ô tô, mức thuế nhập khẩu linh kiện khiến họ gặp khó vì đội chi phí sản xuất lên cao. Hơn nữa, sản phẩm cùng loại ở trong nước không sản xuất hoặc khó đáp ứng theo chuỗi của DN ô tô. 

Khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước từ tháng 3 đến tháng 10/2020. Mới đây nhất, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước đến hết năm 2021. Giữa năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nghiên cứu đánh giá lại tác động của dịch Covid đối với chuỗi cung ứng 10 ngành hàng của Việt Nam. 

Trong đó, ngành ô tô được cho là có cơ hội lớn để phát triển và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, xu hướng chuyển sang xe điện và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia, sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. 

Theo Cổng thông tin điện tử Công nghiệp Hỗ trợ - Bộ Công Thương

—————————————————————–

MỌI THÔNG TIN CHI TIẾT LIÊN HỆ 

CÔNG TY CỔ PHẦN GIẢI PHÁP TỰ ĐỘNG HÓA ETEK

(Từ ngày 14/6/2022, Công ty Cổ phần Tự động hoá Tân Phát -TPA chính thức có tên gọi là ETEK)

Địa chỉ trụ sở chính 189 Phan Trọng Tuệ –Thanh Liệt- Thanh Trì – Hà Nội

Hotline: 0965.800.166 - Mr. Thưởng 0985.131.868

Website: https://etek.com.vn/hethongdoxe.comtpad.vn, tpa-fas.com.vn 

Hotline Zalo Facebook